Thời gian gần đây, cùng với việc ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất, nhiều nhà đầu tư đã quay lại thị trường bất động sản, bắt đầu tìm những mảnh đất màu mỡ ở những địa phương có dư địa phát triển lớn. Một số nơi đã có nhiều tín hiệu khởi sắc khi ghi nhận sự gia tăng rõ rệt về lượng giao dịch thành công.
Nhìn lại diễn biến trên thị trường có thể thấy, khi lãi suất cao, người dân thường có xu hướng gom tiền gửi vào ngân hàng để đảm bảo an toàn, nhưng mỗi khi lãi suất xuống thấp, hầu hết lại tính đến chuyện rút tiền để đầu tư vào những kênh có khả năng sinh lời cao, trong đó, bất động sản luôn là lựa chọn hàng đầu.
Dự kiến sẽ có “dòng tiền đáo hạn” “đổ” vào nhà đất
Thời gian qua, việc thắt chặt tiền tệ cùng những vướng mắc về pháp lý đã làm suy giảm dòng tiền, và gây đình trệ cho thị trường bất động sản. Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến 40 ngành nghề khác, gồm vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, nội thất, lao động… Vì vậy, ngay từ những tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã tích cực triển khai rất nhiều các giải pháp giúp bình ổn kinh tế như: Thúc đẩy đầu tư công; ban hành các gói hỗ trợ, phục hồi và phát triển kinh tế; nới lỏng dần chính sách tiền tệ; khuyến khích ngân hàng hạ lãi suất cho vay; thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản…
Theo đó, các điểm nghẽn pháp lý đã và đang được các cấp chính quyền tích cực giải quyết, nhiều dự án tiếp tục được triển khai, nguồn cung tập trung nhiều hơn vào nhu cầu thật… Đồng thời, ngân hàng Nhà nước liên tiếp có các đợt điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Các ngân hàng thương mại cũng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Nhờ vậy, doanh nghiệp bất động sản có thêm nguồn vốn để đẩy nhanh triển khai dự án, tăng nguồn cung cho thị trường. Những động thái này đang thắp lại niềm tin đối với người dân có nhu cầu mua bất động sản.
Bàn về điều này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, đến nay, lãi suất đã hạ nhiệt, room tín dụng đã mở, dòng tiền quay trở lại thị trường sẽ tìm kiếm những kênh đầu tư tiềm năng, đem lại lợi nhuận hơn gửi tiết kiệm. Trong số đó, bất động sản vẫn là kênh đầu tư ưa thích, phù hợp với thói quen tích lũy tài sản, khả năng bảo toàn vốn khá tốt so với các kênh đầu tư khác dưới góc nhìn kinh tế học. Đây có lẽ là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư nghiên cứu và quyết định xuống tiền. Bởi nguồn cung bất động sản vẫn tiếp tục khan hiếm trong khi thị trường đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực nhờ vào động thái hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ.
Ông Đính cũng nhận định, giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ đang có dấu hiệu chậm lại. Dự báo đến hết quý 2/2023, khả năng giai đoạn thắt chặt tiền tệ sẽ kết thúc. Chỉ tính trong năm 2022, tổng lượng tiền gửi của các tổ chức và cá nhân vào hệ thống ngân hàng tăng thêm gần 900.000 tỷ đồng. Trong số lượng tiền gửi ròng cả năm qua, cá nhân đóng góp hơn 565.000 tỷ đồng (chiếm 65%). Quý 3/2023 sẽ là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Nếu cứ đà này – thị trường ấm lên, lãi suất huy động giảm, khả năng cao là dòng tiền đáo hạn sẽ ưu tiên quay trở lại thị trường nhà đất.
Thị trường đang vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
Thông tin từ các đơn vị môi giới cũng cho thấy, vài tuần gần đây, thị trường bất động sản bắt đầu có giao dịch trở lại, lượng khách hàng quan tâm tìm hiểu đã tăng lên rõ rệt.
Ông Đặng Quốc Việt, đại diện Sàn giao dịch bất động sản Smartland tại Nghệ An cho biết, kể từ sau khi ngân hàng thực hiện hạ lãi suất, lượng người đến địa phương này, tìm hiểu các sản phẩm tại những dự án có vị trí đẹp, thiết kế độc đáo đã tăng nhanh. Ví như tại dự án Eco Central Park, hiện nay, ngoài lượng đông đảo khách hàng, cư dân đến chơi, thì mỗi ngày còn đón nhận hàng chục lượt khách tới tìm hiểu sản phẩm. Lượng giao dịch thành công cũng được cải thiện nhiều so với thời điểm đầu năm 2023. Hơn nữa, sự quyết định xuống tiền của nhà đầu tư cũng nhanh và dứt khoát hơn trước. Điều này cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đang có dấu hiệu quay lại thị trường.
Nói tới bất động sản Nghệ An, nhiều người nhận định tiềm năng sinh lời sẽ rất lớn. Bởi đây là tỉnh có dân số đứng thứ tư, diện tích lớn nhất Việt Nam, thuộc trung tâm vùng Bắc Trung Bộ và có hệ thống giao thông kết nối khá hoàn chỉnh. Bên cạnh các trục giao thông chính hiện hữu như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A…, theo quy hoạch, tuyến đường cao tốc Hà Nội – Vinh dự kiến đi vào khai thác năm 2030 sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội tới Vinh chỉ còn chưa đầy 2 tiếng. Hơn nữa, Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh gấp 2,5 lần hiện nay; xây các công trình phụ trợ Cảng hàng không quốc tế Vinh; xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò; xây dựng cao tốc Hà Nội – Viên Chăn (đi qua Nghệ An)… Đặc biệt, với trên 2.000 di tích lịch sử danh thắng, lại được thiên nhiên ưu ái về cảnh sắc khi sở hữu Khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên thế giới (được UNESCO công nhận), nhiều bãi tắm đẹp trải dài trên 82 km bờ biển, Nghệ An đã và đang thu hút mạnh các nhà đầu tư cũng như khách du lịch.
Tại Kỳ họp thứ 13 mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đến 2030, Nghệ An trở thành trung tâm về thương mại, y tế, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của khu vực Bắc Trung Bộ; có kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại… Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh tập trung, phát huy tối đa các nguồn lực để phát triển 2 khu vực động lực tăng trưởng là TP. Vinh mở rộng và Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An mở rộng. Đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu đô thị, khu công nghiệp…
Trong khi đó, dự án Eco Central Park tọa lạc trên mặt tiền đường Nguyễn Sỹ Sách – vị trí tâm điểm kết nối mọi trải nghiệm tại miền đất xứ Nghệ tinh hoa khi chỉ mất tầm 7 phút để di chuyển đến trung tâm TP. Vinh, 10 phút là đến cảng hàng không quốc tế Vinh, 15 phút đến biển Cửa Lò. Bởi vậy, các sản phẩm bất động sản của dự án này hứa hẹn mang lại giá trị gia tăng rất lớn cho các nhà đầu tư.